Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

XUNG QUANH VỤ 9X LÀM CLIP FIM CHƯỞNG GÂY SỐT TRÊN MẠNG


d
            Nhóm 9x làm "phim chưởng" tại trường học



Clip “Boy over power-The meteors strike” đang gây sốt trên mạng You Tube vì những cảnh quay bạo lực được sử dụng kỹ xảo lạ mắt mà tác giả chỉ là những học sinh đang học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội). Tuy nhiên, đây lại là một clip sặc mùi bạo lực và khiến không ít người lo ngại về “gu” thẩm mỹ của bạn trẻ. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà trường và chuyên gia game online, đạo diễn phim chuyên nghiệp để cùng nhìn nhận lại tính chất bạo lực của clip này.

Nhà trường: không vui vì... cảnh đánh nhau

Các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Phong Sắc đều đã xem clip này và tâm trạng chung là đều hết sức “bất ngờ” trước sự “thông minh, sáng tạo” của các em học sinh trường mình.


Cô Lại Nguyệt Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Trước tiên về kỹ xảo điện ảnh và ý tưởng của các em rất sáng tạo, so với một lứa tuổi như thế!”.


Tuy nhiên, cô Hằng cũng chia sẻ, cô cảm thấy tiếc khi nội dung “có một chút bạo lực” và không phù hợp với độ tuổi trong sáng của các em.


Cô cũng bật mí một đề tài đáng tiếc mà các “nhà làm phim” không chuyên này đã bỏ qua: cả lớp 9A5, cũng là lớp của các thành viên trong nhóm, đã đồng tâm mua tặng một bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp một chiếc xe đạp. Bây giờ, người bạn ấy vẫn cần sự giúp đỡ của bạn bè để có thể đi được chiếc xe đó. Giá như các em không bỏ qua câu chuyện này thì clip sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều!


“Tôi đã hỏi các em ý tưỏng là gì và có nghĩ đến cái hại của nó hay không. Các em đều nói rằng xuất phát từ mong muốn tạo ra một clip để làm kỷ niệm trước khi chia tay mái trường cấp 2 và cũng không lường được nó lại bị “khép tội” truyền bá bạo lực! Như vậy, học sinh cũng đã tự nhận thức được việc làm của mình” - cô Hằng đánh giá.


Vì vậy, cô Hằng cho biết quan điểm của nhà trường: không khen các em, không chú ý nhiều đến vấn đề này để tránh cho các em nghĩ rằng nó hay và bắt chước lẫn nhau. Đồng thời, các cô giáo chủ nhiệm sẽ là người định hướng các em đến những nội dung tốt đẹp hơn trong chính ngôi trường mình.


Cô Hằng cũng yên tâm về các học trò của mình vì theo đánh giá ở trường, các em đều là những học sinh chăm ngoan, có học lực khá giỏi.


Còn bốn chàng trai 9X trần tình: Ban đầu chỉ có ý định khoe khả năng sử dụng kỹ xảo khi tìm được một phần mềm nước ngoài, không ngờ khi ghép các hình ảnh lại với nhau lại thành clip bạo lực!


Tuy nhiên, những 9X này đã rất “khôn” khi có dụng ý chọn chủ đề bạo lực. Tuy không mê game bạo lực nhưng lại “say” phim hành động của Mỹ, những “nhà làm phim” này có vẻ rất hiểu tính hấp dẫn của những màn chiến đấu trên phim.
Chính vì thế, lựa chọn này để “câu khách” là mục tiêu đầu tiên của nhóm. Bây giờ, tâm trạng của cả nhóm đang rất vui, và cho rằng tính bạo lực không bị chú ý nhiều, mục đích khoe kỹ xảo, góc quay đã thành công ngoài mong đợi.


Các 9X cũng hứa hẹn sẽ “sửa sai” bằng những clip tiếp theo sẽ ít hoặc không còn “bạo lực” để chứng tỏ rằng, các bạn có thể làm nhiều thể loại, chứ không chỉ là “chuyện chiến đấu”.


Không đơn giản như nhà trường nghĩ!


Trái ngược với sự “yên tâm” của Trường THCS Nguyễn Phong Sắc mà chúng tôi đã trao đổi, chuyên gia game online của FPT, ông Hoàng Xuân Bách và đạo diễn của nhiều bộ phim dành cho giới trẻ, ông Đỗ Đức Thành đưa ra những nhận định khác hẳn về câu chuyện. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của hai vị “giám khảo” đặc biệt này:


Ông Hoàng Xuân Bách, Giám đốc trung tâm phát triển sản phẩm, Công ty FPT Software Research and Development: Theo tôi nhận thấy nội dung cũng như kỹ xảo hình ảnh trên clip không có gì đặc biệt. Hiện nay, có nhiều công cụ cung cấp các tính năng dễ dàng cho người sử dụng có thể tạo ra những hiệu ứng như vậy.


Những hình ảnh hành động cũng không mới lạ, nói giống game cũng được, giống phim chưởng, phim viễn tưởng hay phim hành động cũng không sai.

Tuy nhiên, nếu nói game bạo lực mang đến ý tưởng bạo lực cho các bạn cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi vì thực ra không có ai muốn  tạo ra game bạo lực cả, có chăng chỉ là chất anh hùng.


Tuy nhiên, giới trẻ có thể tiếp thu lệch lạc và biến hình ảnh anh hùng thành bạo lực mà thôi. Cái này cũng giống như các bạn trẻ từng bắt chước người hùng Lý Tiểu Long nhưng không phải để hành động nghĩa hiệp mà là dùng côn, dùng gậy gộc để gây gổ đánh nhau. Các nhà làm phim đâu có muốn như vậy chứ?
Tôi cho rằng, đối với clip mà các bạn trẻ đã làm sẽ có những cách nhìn nhận như sau: nhiều người sẽ cho rằng đó là sự hài hước vui vẻ của các bạn trẻ, tuy nhiên sự “vui vẻ” này đã thành quá đà. Hoặc đây là sự tò mò thử nghiệm cuộc sống và nhất là tâm lý muốn được biết đến của các bạn.


Mục đích này các bạn đã đạt được, nhưng để tiến xa hơn trong tương lai thì vẫn còn là điều chưa thể đánh giá được. Clip này chưa thể nói lên được điều gì mà chỉ là một “tác phẩm” của một trong những tâm lý muốn được biết đến hoặc sự hài hước trẻ con mà thôi.


Đạo diễn Đỗ Đức Thành:Tôi khá ấn tượng với những gì mà các bạn trẻ đã thể hiện, dám bỏ thời gian và công sức ra để làm một điều gì đấy, chưa nói đến chuyện là các bạn làm như thế nào.Cái tôi đề cao các bạn là các bạn đã rất nỗ lực, kiên trì và tốn rất nhiều công sức để dựng được một clip như vậy.
Nhưng những gì các bạn thể hiên còn rất vụng dại. Đây là một clip không có nội dung, ấn tượng của tôi nhiều nhất đối với clip chính là khoe cảnh bạo lực, khoe những hận thù, mà cái đó không phải là tiêu chí của giới trẻ.


Chuyện bạo lực là chuyện xưa như trái đất, chúng ta xem nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các bộ phim hành động. Vậy chúng ta còn làm cái đó để làm gì? Các bạn muốn khoe cái gì?


Hay là chúng ta muốn khoe rằng chúng ta có thể làm kỹ xảo à? Hay là chúng ta có khả năng làm kỹ xảo bằng những phần mềm thô sơ? Tôi nghĩ không có gì thú vị quá để chúng ta cần phải thể hiện, cần phải khoe nó ra.


Cái chúng ta cần khoe là cái tính văn hoá Việt Nam ở đâu? Cách cư xử của người Việt như thế nào? Quan điểm của giới trẻ đối với đời sống hiện nay là gì? Muốn tìm tòi, chia sẻ ý tưởng, cảm xúc của chúng ta với thế giới thì chúng ta phải quay lại với những giá trị chân thực của nền văn hoá Việt Nam. 


Tại sao các bạn không làm câu chuyện Trương Chi bằng kỹ xảo đi, không làm những chuyện như là “cô gái trong tranh”, “truyền kỳ mạn lục”? Chúng ta có cả một nền văn hoá rất lớn để chúng ta thừa sức thể hiện kỹ xảo, tại sao cứ phải đánh nhau, cứ phải bạo lực?


Ai cũng biết, cái gì thường có sex, có bạo lực thì bao giờ nó cũng hấp dẫn nhưng thực ra chúng ta cần cảnh giác với tất cả những điều đó. Bởi, với những điều đó chúng ta sẽ không tìm được đến cái đích mình muốn, vì luôn bị lu mờ bằng những cái gì đó rất hấp dẫn ngay trước mắt chúng ta.


Nếu soi dưới góc độ của một người làm nghề một cách chuyên nghiệp thì nó rất nguy hiểm khi chúng ta đưa một điều không đúng thì toàn bộ khán giả có một cách nhìn méo mó về giới trẻ.


Những điều đó khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng, khiến cho các bạn trẻ dường như lại có một phong trào, bạn bè quốc tế nhìn vào giới trẻ VN một cách không có định hướng mà chỉ thích một cái gì đó trước mắt, gấp gáp, bạo lực, sex.


Nếu như các bạn nghĩ một chút, nếu tất cả những điều mình làm được cân nhắc một chút thì nó sẽ không gây những phản ứng trái chiều như thế này...



Nguồn Yuotube và Vietnamnet


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét