Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Bài nói chuyện của Tướng Nguyễn Cao Kỳ tại Đại Học DeAnza, Cupertino, California



Bài nói chuyện của Tướng Nguyễn Cao Kỳ tại Đại

Học DeAnza, Cupertino, California


LTS: Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang ấm dần lên qua vấn đề Biển Đông, ĐCV đăng tải lại bài phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại Đại học DeAnza, trong cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ bắt tay với CSVN ngăn chặn Trung Quốc, gây nhiều tranh cãi trước đây. 

Lời người dịch: Ngày 13 tháng 6 năm 2003, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ được giáo sư John K. Swensson, Khoa truởng Khoa Ngôn Ngữ của trường Đại Học DeAnza, Cupertino, California mời nói chuyện về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhân cuộc hành trình của Tướng Kỳ gây nhiều sôi nổi trong cộng đồng, tôi phiên dịch bài diễn văn này ra quốc ngữ để cống hiến bạn đọc. Hy vọng các bạn đọc sẽ chia sẻ đuợc tâm ưu của Người Lính Già Nguyễn Cao Kỳ, có cái nhìn xa về thời cuộc mà phải hứng chịu nhiều hiểu nhầm của dư luận ngày hôm nay. Ông ta đã chiến đấu và đã không ngừng mưu cầu cho dân tộc có một tương lại tươi sáng hơn. 

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ

 

Trước tiên, tôi xin cảm ơn các bạn sinh viên và quý trường đã cho tôi có dịp để chia sẻ vài cảm nghĩ của tôi. Đặc biệt xin cảm tạ bà Martha Kanter và ông Khoa truởng John Swenson đã có nhã ý mời tôi đến nói chuyện hôm nay. 

Vào tháng Tư của 27 năm truớc, sau 20 năm chống trả anh dũng, Miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay kẻ thù. Bao biến đổi từ đó. Nhiều nguời trong số các bạn chưa ra đời; với những người nào còn nhớ lại ngày đen tối đó, những nguời mà sau bao năm tháng, thời gian đã in hằn trên khuôn mặt những nếp nhăn và tóc đã điểm mầu sương khói, đã bảo toàn danh dự trong những giờ phút khó khăn, không làm mất đi lý tưởng mà các bạn theo đuổi. Các bạn đã trưởng thành, sự hy sinh và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mang lại sự thành công và trách nhiệm ở những địa vị xứng đáng trong xã hội Mỹ. Còn đối với tôi, như các bạn thấy, tôi không còn khoác khăn quàng tím, mặc áo bay đen, lưng đeo súng lục. Tôi đã chôn tất cả dưới đáy rương, kỷ vật của một thời quá khứ. Cuộc chiến đã lùi dần vào lịch sử, sự thất bại về dân chủ ở Việt Nam đã để lại những dấu ấn trong lương tâm của hai quốc gia. Những câu hỏi đặt ra từ năm 1975 vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Làm sao với một đồng minh Mỹ vô địch về kinh tế, chính trị và quân sự cộng thêm sự hỗ trợ của các nước đồng minh khác mà Nam Việt Nam lại bị đánh bại bởi một quân đội lạc hậu, nghèo đói của Bắc Việt?  Hôm nay tôi xin đưa ra những câu trả lời về vấn đề này. 

Thưa qúy vị, 

Sử liệu của Hoa Kỳ thường cho rằng sự thất trận xảy ra vì cuộc chiến thiếu chính danh, vì chính phủ và quân đội Miền Nam tham nhũng, vì lính Nam Việt hèn nhát, vì Mỹ bỏ rơi Nam Việt vv… Tuy nhiên, không một điều kể trên được chấp nhận như một định nghĩa đúng. Tôi muốn nói: “Chúng ta thất trận vì hai lý do. Vì bang giao giữa Mỹ và Nam Việt không đồng nhất, không quân bình, đôi khi trịch thượng. Và cũng bởi vì chiến lược của chúng ta là chiến tranh tự vệ, một chiến thuật tự nó đã đưa đến sự thất bại và sau cùng là sự thất trận”. Làm sao điều này đã thật sự xảy ra? Là một nguời sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến, một nguời đã từng tham dự và chỉ huy, đã chứng kiến và chia sẻ sự khổ đau của dân tộc và nhân dân tôi, tôi sẽ cố trình bày một cách khách quan về những sự kiện và những nhận xét đã đưa tới câu tuyên bố táo bạo này.  Đêm nay, thật là khó khăn khi phải trực diện nó, các bạn sẽ nghe được những sự thật mà các bạn chưa bao giờ nghe và tôi tin là các bạn sẽ đồng ý với lời kết luận của tôi. 

Sau hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia đôi. Trên giấy tờ, Bắc và Nam Việt Nam là hai quốc gia song sinh được sinh ra cùng một thời điểm. So sánh với Miền Bắc qủy quyệt, thì Miền Nam chỉ là một đứa trẻ thơ dại. Có nghĩa là từ nhiều năm, trước khi có sự chia đôi đất nước, Hà Nội đã chứng tỏ là một thực thể chính trị đáng nể sau khi đã tham dự hàng loạt các hội nghị quốc tế và theo đuổi cuộc chiến tranh du kích chống Pháp. Hồ Chí Minh đã có tiếng vang trên chính truờng quốc tế qua sự lãnh đạo cuộc chiến chống thực dân Pháp. Chính quyền Hà Nội nắm quyền lực với một thành tích là đánh đuổi ngoại xâm và tranh đấu cho quốc gia độc lập. Họ tự cho họ là những nguời giải phóng nhân dân. Lúc đầu, họ nhận được sự ngưỡng mộ và thiện cảm của đa số các nuớc “bị trị” thuộc Khối Không Liên Kết của Thế Giới Thứ Ba, dĩ nhiên sẽ đối nghịch với những nước giàu có như Pháp và Hoa Kỳ. Bắc Việt còn được sự yểm trợ tối đa của hai siêu cường cộng sản là Nga Sô và Trung Cộng. Điều này đã làm họ tuyệt đối tin tưởng là cuối cùng họ sẽ thắng. Tôi muốn đào sâu vấn đề hơn. 

Ai cũng hiểu là nếu không có sự giúp đỡ vĩ đại của các siêu cường Cộng Sản, Bắc Việt không thể kéo dài cuộc chiến xâm lăng trong nhiều năm được. Nga Sô và Trung Cộng rất kín đáo về sự trợ giúp của họ. Trong suốt cuộc chiến, không một viên chức Nga hay Trung Cộng nào có lời tuyên bố can thiệp lộ liễu vào nội bộ của Bắc Việt. Trái lại, những nhà lãnh đạo Bắc Việt luôn luôn đuợc đẩy ra ngoài ánh sáng quốc tế, đuợc trình diện như những người theo chủ nghĩa Dân Tộc, những nhà ái quốc, những nhà tranh đấu cho chính nghĩa, lật đổ đế quốc thực dân và tư bản hầu giải phóng nhân dân Việt ra khỏi ách thống trị. Chẳng bao lâu bộ mặt Mác-Lê bị lật tẩy, Hà Nội cũng bị mất cảm tình chút ít trên thế giới, nhưng sự ngưỡng mộ vẫn còn. Nếu họ không còn có chính nghĩa là đánh đuổi thực dân nữa, đối tượng để tranh đấu chính trị sẽ không còn, thì họ chẳng còn gì để mà tranh đấu. 

Về phía Miền Nam, sự việc khác hẳn. Nam Việt phải xây dựng từ số không, và ngay từ đầu đã lệ thuộc quá nhiều vào các siêu cường Tây Phương. Thí dụ như một người sống nhờ vào tiền an sinh xã hội, càng ngày càng lệ thuộc vào sẽ khó dứt bỏ đuợc. Trong những năm của thập niên 50, những hoạt động chính trị và quân sự ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp, một ông chủ thực dân, về tất cả những quyết định quan trọng. Nguời Pháp đưa ông Bảo Đại ra làm Quốc Trưởng, vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn dưới thời bảo hộ Pháp. Tất cả nội các của ông Bảo Đại đều là những người có thời liên hệ với Pháp. Họ không được sự ủng hộ của quần chúng trong nuớc. Chỉ khi ông Ngô Đinh Diệm xuất hiện thì Nam Việt mới có một thể chế và lãnh đạo xứng đáng. Rất tiếc là sau vài năm ngắn ngủi, chính quyền Nam Việt Nam bị băng hoại vì sự áp dụng độc tài gia đình trị. Nhưng so với sự độc tài đảng trị của cộng sản Việt Nam thì sự độc tài ở Miền Nam không thể nào sánh bằng. Khi ảnh hưởng của Pháp bắt đầu mờ dần, sự xuất hiện của Mỹ đã trực tiếp ảnh hưởng hàng ngày vào những quyết định của Nam Việt Nam, thì một vị Tổng Thống có tinh thần quốc gia cấp tiến mà cứng đầu như ông Diệm bắt buộc phải bị lật đổ. 

Thưa các bạn,Bang giao giữa Mỹ và Nam Việt Nam chưa bao giờ thể hiện được bình đẳng trong sự hợp tác. Cuộc chiến trở thành “cuộc chiến tranh của Johnson” thay vì chúng ta chiến đấu cho tự do và độc lập. Từ quan niệm trên mà Nam Việt Nam chỉ được xem như là một tiền đồn để chống chủ nghĩa cộng sản. Cuộc chiến đấu giành tự do của chúng ta là một việc cao qúy nhưng chúng ta không cho đó là vấn đề chủ yếu để giải thích cho dân chúng Mỹ và Việt Nam hiểu rằng đây không phải là một cuộc nội chiến giữa chính quyền và quân phản loạn ở Nam Việt Nam, mà là một sự xâm lăng trắng trợn một quốc gia Nam Việt Nam bởi một quốc gia khác có tên gọi là Bắc Việt Nam. Vào giữa thập niên 60, Hoa Kỳ đã đổ nửa triệu quân vào Miền Nam. Mười tỷ đô la đã đổ vào để sử dụng cho quân đội và viện trợ kinh tế, và còn nhiều số tiền lớn khác được chi ra. Sự hiện diện của Hoa Kỳ được thấy rõ trong nhiều lãnh vực hoạt động, ở bất cứ một giai tầng nào trong chính phủ. Ngay cả trong giai cấp lãnh đạo, kể cả Tổng Thống, cũng được chỉ định một vị cố vấn đặc biệt. Sự có mặt và ảnh huởng của Mỹ thật là quá rõ rệt. Nhiều đến nỗi một nguời dân Việt ở ngoài phố đã thốt lên rằng “Ông Đại sứ Mỹ là Quan Toàn Quyền giống như dưới thời Pháp thuộc”. Ảnh hưởng của báo chí và chính giới Mỹ còn tệ hại hơn nữa, luôn luôn muốn nhấn mạnh vai trò của người Mỹ tại Việt Nam, họ đã biến chiến tranh Việt Nam thành một sự đối kháng giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, đẩy nhân dân, chính phủ và quân đội của Nam Việt vào vai trò phụ. Điều này càng được khuyếch đại bởi bộ máy tuyên truyền của cộng sản quốc tế. Vì thế chính quyền Nam Việt Nam dưới con mắt nguời dân trong nuớc và cả thế giới đã trở thành một chế độ bù nhìn được dùng cho quyền lợi của tư bản Mỹ. Hậu quả là mặc dù chúng ta có chính nghĩa, nhưng chúng ta không bao giờ có được một chính danh cần thiết để được lòng nhân dân, một yếu tố tối cần thiết cho sự chiến thắng. 

Thưa các bạn, 

Chúng ta đều hiểu rằng trong chiến tranh, yếu tố chính trị và quân sự phải hỗ tương. Điều này rất đúng tại Việt Nam. Không những chúng ta bị thất lợi về chính trị mà chúng ta còn áp dụng một căn bản sai lầm trong binh pháp khi chúng ta chọn chiến đấu trong một trận chiến giới hạn và tự vệ. Hải Quân và Không Quân hùng mạnh của Hoa Kỳ đã không được dùng để tấn công vũ bão vào lực luợng địch, buộc họ phải qui hàng, như đã xảy ra trong cuộc chiến Vùng Vịnh và Afghanistan. Hoa Kỳ đã không thi triển sự chớp nhoáng của Không Quân chiến luợc hay sự hùng hậu của Đệ Thất Hạm Đội để tiêu diệt những căn cứ địch, để ngăn cản đường tiếp tế trên bộ cũng như trên biển, để phong tỏa những hải cảng của địch. 

Vì phải chiến đấu trong một cuộc chiến giới hạn và tự vệ, Hoa Kỳ đã cho phép kẻ thù liên tục tiếp tế cho quân lính họ ở chiến truờng. Những chính trị gia của Hoa Kỳ vì e ngại Trung Cộng sẽ can thiệp và gây ra một cuộc chiến Triều Tiên khác. Nước Mỹ đã và đang có một Hải Quân hùng mạnh nhất thế giới, nhưng vì sợ mích lòng Nga, đã không chịu phong tỏa Hải Phòng. Hàng tấn vũ khí đã đưa qua hải cảng này để chuyển vào đánh Nam Việt và các đồng minh. 

Đã từ lâu, trước khi Hoa Kỳ quyết định ngưng chiến, tôi đã nhận thấy sự thất bại là một kết quả không thể tránh được khi mà Hoa Kỳ thiếu quyết tâm chiến thắng. Tôi đã yêu cầu tình nguyện lãnh đạo một cuộc “Bắc Tiến”. Tôi chỉ đòi hỏi Hoa Kỳ một điều kiện duy nhất là họ sẽ yểm trợ về Không Lực vì quân đội Hoa Kỳ cũng đã có mặt ở Miền Nam để bảo vệ những nơi đông dân cư. Mục đích của tôi không phải là để xâm lăng Miền Bắc, mà chỉ để ép buộc Hà Nội phải rút quân từ phía Nam về để chống đỡ và từ đó sẽ đưa đến thương thuyết hòa bình. 

Các bạn cũng như tôi có thể không phải là nhà chiến lược giỏi, nhưng chúng ta cũng phải biết là “Tiên hạ thủ vi thượng sách”, ngay cả lúc chúng ta ở thế bị động. Cái được gọi là chiến dịch “truy kích và tiêu diệt” cũng chỉ được dùng trong ranh giới của chúng ta. Căn cứ địa của địch vẫn luôn luôn là hậu cứ an toàn. Địch đã dùng các nước lân bang như Lào và Campuchia để làm trạm giao liên, căn cứ tiếp liệu và trung tâm dưỡng quân của họ. 

Những tuớng lãnh của địch đã áp dụng một kế hoạch hành động là luôn luôn chủ động mở cuộc tấn công. Khi quân mạnh thì họ tấn công, khi họ suy yếu hay mệt mỏi thì họ rút lui về hậu cần để nghỉ ngơi, để an dưỡng và tái phối trí. 

Bên phía chúng ta, dân chúng Mỹ đã chờ đợi quá lâu mà không thấy ánh sáng cuối đường hầm, họ đã mất kiên nhẫn. Họ đòi hỏi phải có chiến thắng huy hoàng, một điều không thể nào thực hiện được trong tư thế hoàn toàn bị động của chúng ta. Tinh thần quân lính xuống thấp vì họ bị buộc phải chiến đấu với đôi tay bị trói sau lưng. Mặc dù sự thật là địch đã bị đánh bại và tổn thất nặng nề, cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã là một chiến thắng vẻ vang cho phe địch. Dù thua trên trận địa chiến, họ đã thành công trong việc chia rẽ chính quyền và quần chúng Hoa Kỳ, một yếu tố quan trọng trong chiến lược và đem lại khích động tối đa cho các phong trào phản chiến. 

Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài đã trực tiếp điều khiển cuộc chiến qua hàng ngàn dặm đường, đã chỉ thị những chính sách mâu thuẫn với những quyết định không ngừng đưa đến sự lúng túng của các đơn vị trưởng ngoài mặt trận. Việc ra lệnh trải bom B-52 của Tổng Thống Nixon lúc gần cuối cuộc chiến đã quá trễ và quá ít. Điều này chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là ép buộc cộng sản phải ngồi vào bàn hội nghị tại Paris để Hoa Kỳ có thể sửa soạn một cuộc rút quân khỏi Việt Nam trong danh dự. Sau vụ Watergate, Hoa Kỳ như con thuyền không lái. Việt Nam đã bị bỏ rơi, trôi theo dòng định mệnh. Sự rã ngũ của Tháng Tư năm 1975 là một kết thúc không thể tránh đuợc. Điều chúng ta tiếc nuối nhất là nó đã kết thúc trong nhục nhã và bi đát. 

Thưa các bạn, 

Các sỹ quan QK5, Vùng 3 Hải Quân và Không quân tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Mỹ trên tàu USS George Washington. Ảnh: nhận được từ thân hữu ĐCV

 
Tham nhũng và khả năng chiến đấu của quân đội Nam Việt Nam là một trong những lý do được lý giải đưa đến sự thất trận. Dĩ nhiên là có sự tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng xin các bạn hãy nêu lên tên của một quốc gia nào mà không có tham nhũng, kể cả những quốc gia dân chủ và xã hội tân tiến nhất. Vẫn biết rằng vì chiến tranh và nghèo đói, mức độ tham nhũng ở Nam Việt Nam có cao hơn mức độ trung bình của quốc tế, nhưng hãy cho phép tôi mở một dấu ngoặc ở đây để thông báo rằng cũng từ ngày làm chủ lãnh thổ Việt Nam thì cộng sản đã tự biểu lộ cho thấy họ cũng hăng hái trong trò chơi tham nhũng này. Ý chí chiến đấu của quân đội Nam Việt nếu các bạn nhìn vào đời binh nghiệp của tôi như một điển hình, các bạn sẽ thấy rằng những chiến công của tôi cũng không thua gì những quân nhân của các nước khác. Phải nói rằng đa số chiến hữu của tôi đều có một tinh thần chiến đấu cũng cao như tôi. Hãy nhìn vào con số thống kê các quân nhân tử trận, những người lính chiến đấu đã hy sinh trong suốt 25 năm chiến tranh, các bạn phải công nhận họ là những người xuất chúng nhất của chúng ta. Rất tiếc là họ đã không được dùng và được yểm trợ đúng mức, và họ đã bị bỏ rơi một cách nhục nhã. 

Một vài nhà trí thức tự do thường chỉ trích chế độ Nam Việt là một chế độ độc tài quân phiệt. Thế kỷ vừa qua là một thế kỷ của quyền lực thực sự cai trị. Tất cả sự khác biệt về chủ thuyết và kinh tế  đều được giải quyết bằng vũ lực. Sức mạnh của quân đội là một điều cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền, tự do, độc lập của một quốc gia. Ngoại trừ những nước tiên tiến đã có một quá trình dân chủ lâu dài, một đời sống hòa bình và thịnh vuợng, tất cả những nước nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá của Thế Giới Thứ Ba đều sống dưới một chế độ ảnh hưởng bởi quân đội cả. 

Nam Việt Nam cũng không đi ra ngoài biệt lệ đó. Muốn Việt Nam vừa chống chiến tranh xâm luợc vừa xây dựng Dân Chủ là một điều không thực tế. Xây dựng dân chủ ở Tây phương, Anh quốc và Hoa Kỳ cần phải tranh đấu đến hàng trăm năm. Nhưng người Việt Nam chúng tôi chỉ có thể xây dựng dân chủ sau khi hoàn tất hòa bình và độc lập. Cho dù có hoàn tất đi chăng nữa thì dân chủ cũng không thể có ngay lập tức, mà phải xây dựng từng giai đoạn một để hòa nhịp với nếp sống văn hóa, xã hội và kinh tế của mỗi nguời dân. Chỉ trích Nam Việt Nam đã không xây dựng được một chế độ dân chủ để rồi lấy đó làm cái cớ để bỏ rơi Nam Việt Nam là một sự phản bội phũ phàng đối với một đồng minh đã đặt niềm tin vào lời nói của Hoa Kỳ. 

Năm 1968, khi lực lượng cộng sản chọn ngày Tết để tổng tấn công vào những thành phố chính của Miền Nam, khi mà những nguời lính Nam Việt Nam bị bao vây và bị tràn ngập, họ đã kêu gọi các lực lượng đồng minh Hoa Kỳ đến yểm trợ hỏa pháo và phi pháo, thì những người Việt Nam chúng tôi chỉ gặp phải những lời giải thích bí ẩn bảo rằng không có một phi cơ hay trọng pháo nào sẵn sàng, hoặc là đơn vị cần phải chờ lệnh của thượng cấp. Khi đó tôi có thể nhìn ra từ phía nhà tôi, và thấy rằng hàng dãy phi cơ khu trục của Hoa Kỳ nằm án binh bất động. Tại sao đồng minh chúng tôi lại không tiếp cứu chúng tôi tức khắc khi chúng tôi kêu cứu? Chỉ có một điều để giải thích cho sự việc này là, có một nhân vật cao cấp nào đó trong chính phủ của Hoa Kỳ đã can thiệp vào vụ tấn công này, muốn nó sẽ thành công đến một mức độ mà nhà cầm quyền Nam Việt phải nhượng đất cho “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, một cánh tay của quân xâm lăng Bắc Việt. 

Trong thời gian Hòa Đàm Paris, ông Đại Sứ Mỹ Averell Harriman đã nhấn mạnh rằng “Mặt Trận Giải Phóng” phải được ngồi ngang hàng với Nam và Bắc Việt Nam. Ông ta đã từ chối không nghe lời phản đối của chính quyền chúng tôi. 

Thưa các bạn, 

Khuôn mẫu của Hoa Kỳ là tự do, cơ hội học vấn và kinh tế tài chính, là lối sống, là sự giàu sang và hoàn mỹ của một quốc gia và dân tộc đã đưa đến sự ganh tị trong các nước văn minh. Ngày nay, ở Việt Nam, con cháu của những người đã một thời chống Mỹ cách đây hai thập niên, tất cả đều yêu chuộng mọi điều thuộc Mỹ quốc. Cách đây vài năm, hàng ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đã viếng thăm Việt Nam, đã được quần chúng đón chào và ngưỡng mộ. Khi Tổng thống Bill Clinton viếng thăm Việt Nam cách đây hai năm, mọi nguời dân từ Nam chí Bắc đều chen chúc nhau để được nhìn thấy ông. Bởi vì cho dù những nhà lãnh đạo ở Việt Nam có tuyên bố gì trong quá khứ đi chăng nữa thì đại đa số nguời dân Việt Nam (hiện giờ là 83 triệu) đều theo Mỹ cả. Hoa Kỳ tượng trưng cho một đời sống tốt đẹp hơn, cơ hội và hy vọng. Điều mà tất cả những nguời lính Hoa Kỳ và Nam Việt Nam trước kia đã chiến đấu để mang lại cho đất nước chúng tôi. Sự niềm nở đón tiếp ông Clinton hay những người Mỹ khác cũng vậy, là một bằng chứng cụ thể rằng những người chiến đấu cho dân chủ và tự do đã đứng ở phía chính danh. 

Vì thế tôi muốn nói hôm nay với những cựu chiến binh Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Thái, Nam Hàn và tất cả những người đã ủng hộ cho cuộc chiến vì tự do của chúng tôi, chúng ta không có gì để mà xấu hổ. Với ba mươi năm dưới sự cai trị tồi tệ của Đảng Cộng Sản đã chứng tỏ là chúng ta chống chế độ cộng sản là đúng. Do đó, chúng ta hãy bỏ qua mặc cảm tội lỗi, cái gọi là “Hội Chứng Chiến Tranh Việt Nam” và tự hãnh diện về chúng ta và những cố gắng của chúng ta. Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong thập niên vừa qua. Những nước theo cộng sản ở Đông Âu đã từ bỏ chủ thuyết Mác-Lê và du nhập những nguyên tắc kinh tế thị trường vào kinh tế của quốc gia mình. 

Tập đoàn cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam đã qui tiên rồi:  “Hồ Chí Minh đã mất, Phạm văn Đồng đã đi, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Chí Công đã mất. Ngay cả những nhà lãnh đạo cuộc chiến chống họ như ông Richard Nixon và ông Lyndon Johnson đều đã mất. Những nhà lãnh đạo Miền Nam như ông Ngô Ðình Diệm đã qua đời. Ông Nguyễn văn Thiệu đã chết. Ông Dương văn Minh cũng đã chết. Riêng chỉ còn mình tôi. Tôi là người cuối cùng. Và tôi muốn nói rằng đây là lúc mà thế hệ của tôi gọi là “nguời Việt chống Cộng” hãy bỏ quên đau buồn và thù hận để nhường buớc cho thế hệ trẻ hơn, những con em của chúng ta, có cơ hội mang người Việt Nam xích lại với nhau. Đây là thời điểm mà thế hệ của tôi nên chấm dứt kêu gọi hận thù. 

Giống như hầu hết những người Việt chống Cộng khác, tôi là một chiến sĩ. Tôi chiến đấu hết mình và tôi rất hãnh diện về những điều mà tôi đã hoàn thành trong thời chiến. Tôi rất thương tiếc những đồng đội can đảm của tôi đã chết cho chính nghĩa tự do. Và tôi cũng thấu hiểu những anh chị em đã chịu đựng sự đau khổ dưới chế độ cộng sản. Tôi hiểu rằng họ đã chịu đựng nỗi khổ đau của cái gọi là trại tù cải tạo, rằng họ đã mất đi người thân, mất đi tự do cá nhân, mất đi cả nhà cửa và tài sản.  Điều này thật bất công và đau đớn. Nhưng quá khứ đã qua. Chúng ta giờ đã quá già, tương lai Việt Nam không còn trông cậy vào chúng ta nữa. Hãy để cho thế hệ trẻ tự tìm ra hướng đi về tương lai mà không phải mang gánh nặng tạo ra bởi cha ông chúng. Đây là thời điểm để cho thế hệ chúng ta ngưng rao giảng sự thù hận và cay đắng. Có lợi gì để tranh cãi ai đúng, ai sai? 

Do đó hôm nay tôi muốn nói, chúng ta, những người đã già, hãy bỏ qua một bên những sự thù hận. Nếu chúng ta không thể tha thứ thì chúng ta hãy quên đi. Chúng ta hãy để cho một thế hệ mới tự đi tìm con đường của họ, bởi vì Việt Nam sẽ chỉ phát triển khi có sự đoàn kết. Việt Nam đã đến lúc cần phải có những quyết định dứt khoát. Trung Hoa dường như muốn biến đất nước chúng ta thành một thuộc địa về kinh tế, một nguồn cung cấp tài nguyên, một thị truờng cho các hàng tiêu thụ. Việt Nam sẽ phải quay sang Trung Hoa vì đó là nguồn gốc của đa số di sản văn hóa hay là thiết lập một bang giao bền vững với Hoa Kỳ dựa trên mô thức của sự tương kính và hỗ tương quyền lợi kinh tế mà vẫn giữ được độc lập? Điều mà những thường dân mong muốn rất rõ ràng qua sự đón chào thân thiện với du khách Mỹ. Bây giờ mọi nguời đã biết là nguời Cộng Sản Việt Nam đã chết. 

Đồng bào chúng tôi muốn bắt chước như Nam Hàn, Singapore, Đài Loan và Hồng kông. Họ muốn biến Việt Nam thành một tiểu long th̗ứ năm. Điều đó không phải dễ. Việt Nam phần lớn vẫn là một quốc gia nông nghiệp, vẫn cần sự giúp đỡ phát triển hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Vấn đề tham nhũng vẫn tồn tại, mặc dầu cuối cùng thì chính quyền Hà Nội cũng đã nhận thức đuợc điều gì phải làm để thanh lọc và giảm thiểu tham nhũng đến mức bình thường được quốc tế chấp nhận. Tôi tin tưởng rằng sự thay đổi của nền kinh tế và cơ chế của Việt Nam đã bắt đầu. 

Sự hồi sinh kinh tế Việt Nam đã bắt đầu để có thể khuyến khích những người tị nạn trở về. Hơn ba triệu người trong chúng ta, hai phần ba ở Bắc Mỹ. Nếu so sánh với một người Việt Nam trung bình ở quê nhà thì chúng ta có kiến thức và nhiều khả năng chuyên môn hơn. Có nguời cho rằng giới trẻ sinh ra ở đây hay đã rời xa quê hương lúc còn nhỏ sẽ không muốn từ bỏ nếp sống thoải mái ở Mỹ, Gia Nã Đại, Pháp hay Úc. Nhưng tôi tin rằng có rất nhiều bạn trẻ mong muốn giúp nuớc nhà phát triển. Bao năm qua, tôi đã đi tới nhiều nơi trên đất Mỹ, gặp gỡ và thăm hỏi nhiều bạn trẻ, đã cho họ biết rằng họ là rường cột của tương lai Việt Nam, rằng đất nuớc cần đến khối óc và bàn tay của họ. Và tôi cũng vui mừng thông báo cùng các bạn là trong số những nguời trẻ mà tôi có dịp nói chuyện, nhiều người cũng có lòng yêu nuớc không kém ước vọng cá nhân, họ sẽ trở về quê nhà khi thấy có cơ hội để áp dụng sở trường của họ. 

Những nguời Hoa Kỳ đến Việt Nam để tìm môi trường buôn bán sẽ nhận thấy một tình thế khác hẳn thời gian những quân lính đến vì chiến tranh. Họ sẽ không còn là những “Anh Hai” đến để giúp chiến đấu. Họ sẽ là những cổ phần viên, những nhà thầu. Nhưng để xây dựng cây cầu nối lại những hiểu lầm không thể tránh được giữa Đông và Tây sẽ là những người trẻ Việt Nam sinh trưởng hay theo Đại Học tại Hoa Kỳ. Trong vòng mười, mười lăm năm nữa, hầu hết những công ty thương mại thành công sẽ được quản trị bởi những người có kiến thức và tư duy theo kiểu Mỹ. 

Tôi rất lạc quan về thế hệ lãnh đạo Việt Nam kế tiếp. Bây giờ thì Hiệp Uớc Thương Mại đã được phê chuẩn. Sự giao thiệp giữa hai quốc gia đã gia tăng. Những viên chức của Đảng Cộng Sản đã viếng thăm Mỹ quốc, tiếp xúc với nhiều người Mỹ, tôi tin tưởng rằng họ sẽ sớm thay đổi những điều luật kinh tế đã hạn chế Việt Nam mấy chục năm nay. Vì thể chế chính trị được xây dựng trên nền tảng luật lệ kinh tế, thay đổi luật lệ chính trị sẽ theo sau, việc quốc doanh nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản. Hậu quả sẽ lung lay tới mọi giai tầng xã hội, kể cả tư pháp và lập pháp. Hiện giờ đã có những chuyên gia và doanh gia hăng hái tham dự vào những quyết định hàng ngày của chính phủ. Một khi Việt Nam đã theo đường hướng tư bản, thì dân chủ và luật lệ sẽ đi theo. Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam kéo dài chưa đầy năm mươi năm, nhưng khi chúng ta nhìn lại Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến thì sẽ thấy năm mươi năm chỉ là một nháy mắt. Tuy tôi không còn là một thanh niên, nhưng sức khỏe vẫn còn tráng kiện, hy vọng sẽ sống thêm nhiều năm nữa. Tôi muốn sống để nhìn thấy một nước Việt Nam tái sinh. Xin tất cả cá bạn giúp một bàn tay để điều này thành sự thật. 

Thưa các bạn, 

Để kết luận, cho phép tôi được nói là tôi rất sung sướng được hiện diện ở đây. Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Tôi đã chiến đấu bên cạnh các chiến binh Hoa Kỳ và đã cùng đổ mồ hôi, máu và nuớc mắt với nhau. Tôi lấy làm vinh dự được chia sẻ những nỗi vui, buồn của những nhà lãnh đạo đáng kính của quí quốc. Trong suốt hai mươi bảy năm sống đời tị nạn, tôi đã từng làm việc mười bốn tiếng một ngày trong một tiệm rượu, và tôi cũng đã từng là một ngư phủ sống trên biển hàng tuần để câu tôm cá. Tôi đã thấy các con tôi trưởng thành và tự lập và tôi cũng đã qua bao thăng trầm của cuộc sống. Điều an ủi lớn nhất trong đời tôi là lần đầu tiên ở nơi đất khách, dù trong hoàn cảnh nào, tôi luôn luôn được người Mỹ đón tiếp nồng nàn. Nước Mỹ đã cưu mang tôi và gia đình tôi trong suốt hai mươi bảy năm yên lành trên một đất nước thịnh vượng và hoàn mỹ nhất thế giới. Hoa Kỳ là quê hương thứ hai của tôi. Tuy nhiên, tôi quyết định một ngày không xa, tôi sẽ trở về chôn nhau cắt rốn, được sống và chết nơi quê nhà. Xin cảm ơn lòng tốt và bao dung của các bạn và nhân dân Hoa Kỳ. Thay mặt tất cả những người Việt Nam, tôi xin đa tạ 58 ngàn người Mỹ đã hy sinh bỏ mình cho tự do của dân tộc tôi. Tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn hàng triệu người đã quên thân mình cho dân tộc tôi, những người đã gác bỏ ước vọng riêng tư để giúp đỡ những người khốn cùng mà không mong được trả ơn. Cảm ơn lòng can đảm, lòng vị tha và bao hy sinh đau đớn của các bạn. 

Năm nay tôi đã 72 tuổi (năm 2003), một người lính già. Và như Douglas McAthur, một trong những danh tuớng của các bạn đã nói: “Người lính già không bao giờ chết, họ sẽ dần dần mờ nhạt đi thôi”. Trong những năm tháng còn lại, người lính già này luôn hướng về Việt Nam, quê cha đất tổ. Tôi xin dâng hiến phần đời còn lại để phụng sự cho quê mẹ và cho dân tộc tôi mà không có một tham vọng nào và không đòi hỏi một sự báo đáp nào. Tôi kêu gọi các bạn, nhất là các chiến hữu Hoa Kỳ của tôi, hãy giúp sức xây dựng một nhịp cầu thân hữu nối lại giữa hai quốc gia. Sự yêu thương hay thù hận hãy quên đi. Thù hận phải được thay thế bằng tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Cám ơn sự theo dõi của các bạn. Và bây giờ tôi xin trả lời các câu hỏi. 

Người dịch:  Nguyễn Lệ Hà 


BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TƯỚNG NG. VIỆT THÀNH

"Điều bất ngờ là các bị can đều đã khai nhận là họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho, và có người đứng ra chịu trách nhiệm."

Vì sao có “người hùng” trong vụ án Năm Cam bị khởi tố?


(Petrotimes) - Các bị can đều khai nhận họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho và có người đứng ra chịu trách nhiệm. Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến  vòng lao lý?

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam

Ngày 7 tháng 6, tại tỉnh Tiền Giang, Cục điều tra Hình sự  của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thực hiện lệnh khởi tố và khám xét, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai ông là Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng cảnh sát Điều tra công an Tiền Giang; Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra; khởi tố, khám xét và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra.

Trong số này thì Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên, từng được khen thưởng và coi là “người hùng” trong vụ án triệt phá băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu.

Cả ba bị can đều bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 281 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út

Từ năm 2005, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận được nhiều đơn của ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Hướng – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, trụ sở tại khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự của một số cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang.

Phạm Văn Út ôm con gái và khóc

Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an… cũng chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng yêu cầu Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân.

Đơn của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng tập trung ở các nội dung sau:

- Tố cáo ông Nguyễn Văn Nên và một số cán bộ điều tra tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp trái pháp luật đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” năm 2003.

Khi cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định trả tự do cho ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng; ông Nguyễn Văn Nên và đồng sự không thực hiện ngay, kéo dài thời gian giam giữ đối với họ.

- Giải quyết tranh chấp dân sự trái thẩm quyền đối với tranh chấp sử dụng thửa đất 23.383m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương giữa ông Bùi Mạnh Lân và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư.

Thu giữ trái luật 5,25 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Cư từ cuối năm 2003 để gửi tiết kiệm lấy lãi, cuối năm 2009 mới trả lại cho ông Cư.

- Dùng tiền thu giữ trong một số vụ án hình sự khác gửi tiết kiệm lấy lãi để chia nhau và dùng cho mục đích cá nhân.

Xe chở phạm nhân chờ sẵn trước cửa nhà Phạm Văn Út ở 144 đường Lý Thường Kiệt, TP Mỹ Tho (Tiền Giang)

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành xác minh nội dung tố giác và đã phát hiện ra nhiều sai phạm của các đối tượng trên.

Đối với ông Nguyễn Văn Nên, ngoài các sai phạm trên còn có hành vi vi phạm khi tham gia điều tra vụ “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2002 tại tỉnh Bình Dương.

Hành vi của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự.

Để phối hợp giải quyết vụ việc nêu trên, ngày 3 tháng 8 năm 2010 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã báo cáo đồng chí Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về hành vi vi phạm pháp luật của 03 sỹ quan Công an Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út.

Người dân xem khám nhà Ngô Thanh Phong

Tháng 12 năm 2010, Bộ Công an có quyết định kỷ luật 03 sỹ quan nêu trên, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Tiền Giang xử lý về Đảng đối với Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út. Mặc dù đã có Quyết định xử lý hành chính đối với một số cán bộ có sai phạm song vẫn có dư luận cho rằng nếu chỉ xử lý hành chính là bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tác dụng giáo dục phòng ngừa.

Để giữ nghiêm pháp luật phúc đáp, các yêu cầu của dư luận xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xử lí theo quy định của pháp luật.

Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp vì thời gian xảy ra đã lâu và đối tượng nguyên là các sĩ quan Công an nên có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan điều tra. Điều bất ngờ là các bị can đều đã khai nhận là họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho, và có người đứng ra chịu trách nhiệm.

Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến  vòng lao lý hôm nay, đấy mới là điều đáng nói.

Trước đó, phóng viên báo Năng lượng Mới cũng đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.

Báo Năng lượng Mới sẽ đăng chi tiết, bắt đầu từ số 26, ra thứ Năm, ngày 9 tháng 6.

Nguồn .petrotimes.vn 

Vì sao có “người hùng” trong vụ Năm Cam bị khởi tố? (Kỳ cuối)

Chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út lại dám liều lĩnh làm thế - đặc biệt là với Nguyễn Văn Nên.

Phóng sự điều tra của Nguyễn Như Phong

Kỳ cuối: Họ sai như vậy, do đâu?

Trong quá trình đi điều tra về những sai phạm của 3 bị can là Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều việc làm có những biểu hiện mờ ám của Nguyễn Văn Nên và một số cộng sự, trong đó có việc xử lý khoản tiền 2,7 tỉ của Ngô Đức Minh và cô vợ hờ là Nguyễn Thị Nghiệp.

Đây cũng là vụ việc có nhiều tình tiết rất quái quỷ mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài điều tra khác. Cũng trong quá trình đi điều tra, chúng tôi thu được nhiều chứng cứ về một số việc làm lạm dụng chức quyền của tướng Nguyễn Việt Thành. Chúng tôi đã cung cấp cho Cục Điều tra Hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và mong muốn Cơ quan điều tra sớm điều tra làm rõ về sự thực những tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp.

Ông Bùi Mạnh Lân ký hợp tác đào tạo công nhân với công ty nước ngoài

Trở lại vụ án, chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út lại dám liều lĩnh làm thế – đặc biệt là với Nguyễn Văn Nên.

Nguyễn Văn Nên được coi là một cán bộ điều tra có năng lực và được đào tạo cơ bản, cho nên không thể nói là anh ta ấu trĩ về mặt luật pháp hoặc về các nguyên tắc nghiệp vụ công an. Nhưng tại sao lại xảy ra như vậy? Điều đó hoàn toàn có thể lý giải được rằng, nếu như không có tướng Nguyễn Việt Thành là người trực tiếp chỉ đạo, thậm chí bảo lãnh theo kiểu “nếu sai, tôi Việt Thành chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì chắc chắn Nên không thể nào dám làm. Trong các bản giải trình theo kiểu “kêu oan” của mình, Nguyễn Văn Nên cũng nhất nhất khai, tất cả mọi việc anh ta làm đều là thực hiện theo lệnh của ông Việt Thành hoặc của cấp trên.

Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng, nếu không có báo cáo trinh sát của Nguyễn Văn Nên theo kiểu “dựng tội” cho những người như ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng và nhiều người khác, thì chắc chắn ông Thành cũng chẳng có căn cứ nào mà ra lệnh. Một người có thừa nhiệt huyết chống tội phạm nhưng lại chẳng có mấy kiến thức nào về luật pháp thì chắc chắn không thể không trông cậy vào những báo cáo của cấp dưới. Vì vậy, dưới báo cáo thế nào, ông tin tưởng và ra lệnh thực hiện thế đó.

Vụ bắt oan sai ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng… là điển hình của việc “hình sự hóa” một vụ việc tranh chấp dân sự, mà điều đáng nói là vụ việc đã được giải quyết ở tòa án tỉnh. Việc tổ chức bắt ông Lân, ông Bằng cũng là điển hình của việc vi phạm luật pháp. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương, nhưng Công an Tiền Giang thực hiện lệnh bắt, rồi huy động hàng chục cảnh sát xông đến trụ sở một đơn vị kinh tế, như thể đây là một ổ tội phạm cực kỳ nguy hiểm… đó là những việc làm thể hiện rằng “ta đây có quyền lực” và bất chấp các quy định về tố tụng!

Những tài liệu mà Nguyễn Văn Nên có được về vụ ở Công ty Hưng Thịnh chủ yếu là thông tin một chiều lấy từ ông Tạo và từ đám giang hồ bị bắt trong vụ Năm Cam.

Các đối tượng bị bắt trong vụ Năm Cam ở ngoài xã hội hầu hết là dân lưu manh chuyên nghiệp cho nên chúng thừa thủ đoạn để làm vừa lòng cán bộ điều tra. Chỉ cần nghe cán bộ điều tra hỏi về một nhân vật A, nhân vật B nào đó thì lập tức chúng đã có thể dựng lên những câu chuyện để cung cấp thông tin “mới” cho cán bộ điều tra. Với một vụ án truy xét kiểu như vụ Năm Cam giai đoạn 2, người điều tra rất dễ mắc bẫy nếu như cứ tin vào lời khai của các đối tượng. Đấy là chưa tính tới trường hợp người điều tra không có TÂM, muốn dùng lời khai đối tượng làm chứng cứ gián tiếp để “hạ” người khác, hoặc cố làm để lấy thành tích.

Đã có một thời kỳ dài, không ít điều tra viên kết tội đối tượng bằng niềm tin nội tâm – nghĩa là kẻ này phải tham ô, phải tham nhũng hoặc phải ăn cắp, ăn trộm thì mới có tiền mua xe, xây nhà; hoặc trong bữa cơm mời nhau đấy chắc chắn chúng sẽ bàn chuyện chạy án… Cho nên họ tìm cách bắt “khẩn cấp” người hiềm nghi rồi khi vào trại giam thì áp dụng đủ mọi biện pháp, kể cả dùng nhục hình biến tướng để người bị bắt “nhận tội”.

Cứ với một kiểu suy diễn như vậy cho nên trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam đã không ít cán bộ bị khốn khổ, phải giải trình với Ban Chuyên án do ông Việt Thành làm Trưởng ban. Bất cứ lời khai nào của một đối tượng ngoài xã hội về nhân vật nào đó – mà nhất lại là người mà ông Thành “không ưa” thì ông cũng có thể ra lệnh điều tra và bắt phải giải trình, báo cáo. Bây giờ nhớ lại không khí “bắt bớ, đấu tố” của những ngày ấy, tôi vẫn còn thấy rùng mình.

Chúng tôi đã gặp một số người từng bị giam ở trại giam Công an Tiền Giang và khi nghe họ kể về cái trò tra tấn, hành hạ phạm nhân ở đây thật ngoài mức tưởng tượng. Đã có phạm nhân cứ nhận tội bừa cho xong để thoát bị hành hạ… Việc ông Bùi Mạnh Lân phải tìm đến cái chết để giải thoát là một minh chứng. Chúng tôi rất mong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho điều tra làm rõ những lời tố cáo của một số người đã bị dùng nhục hình tại đây.

Một việc rất nghiêm trọng nữa trong vụ án này, đó là Cơ quan điều tra, mà trực tiếp là ông Việt Thành đã sử dụng báo chí làm công cụ cho mình rất giỏi. Bất cứ một đối tượng nào khi bị Cơ quan Công an điều tra hoặc bắt thì họ đã tuồn tài liệu cho phóng viên bằng cách rỉ tai và nói theo kiểu “không chính thức”. Thế là các phóng viên tha hồ phóng bút viết với một dòng chữ mào đầu hết sức “bí mật”: “Theo nguồn tin riêng của báo…”. Có thể nói đây là một món võ rất hiểm và thâm độc bởi vì một đối tượng, nếu là cán bộ hoặc là người đang có vị trí xã hội mà bị báo chí bêu riếu với đủ các thứ tội mà đặc biệt trong đó có tội “đồng lõa” hoặc là “đệ tử” của Năm Cam thì còn ai dám bênh vực, ai dám lên tiếng bảo vệ nữa.

Việc Cơ quan điều tra sử dụng báo chí làm công cụ đã gây ra một sự bức xúc trong dư luận đến nỗi đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Phó thủ tướng Chính phủ cũng phải lên tiếng. Ngày 10-12-2003, đồng chí đã phải ghi như thế này vào trong một văn bản gửi cho lãnh đạo Bộ Công an: “…Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đưa trực tiếp văn bản này cho tôi và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ việc bắt giam này. Đồng chí Bí thư nói với tôi là tỉnh Bình Dương rất bất bình về việc bắt giam khẩn cấp này (công an đến bắt xét khẩn cấp mà có nhiều nhà báo cùng đi và ngay sau đó là đưa tin không đúng). Tôi chưa rõ việc này thế nào, yêu cầu đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng cho kiểm tra lại vụ việc này và có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc cho Thủ tướng Chính phủ”.

Vụ việc mà Phó thủ tướng đã có ý kiến như vậy nhưng sau đó cũng không có phản hồi và phải sau 8 năm thì việc điều tra làm rõ mới được tiến hành, đó thực sự là điều rất không bình thường.

Vụ án Năm Cam cho đến bây giờ vẫn còn nhiều uẩn khúc trong dư luận. Chúng tôi hy vọng rằng, Cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Tối cao sẽ cho điều tra lại một số trường hợp và nếu minh oan hoặc giảm tội được cho ai đó thì cũng là việc “cứu một người phúc đẳng hà sa”.

N.N.P


Xem Xin đừng xúc phạm vụ án Năm Cam