Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Sự thật về 3 người đàn bà đi qua đời Thuyết “buôn vua"


                                           



Trần Văn Thuyết đang thụ hình án 20 năm tại Tiền Giang, đang thực hiện tốt những tiêu chuẩn cải tạo: “Thật thà ăn năn hối cải…”. Mừng cho Thuyết trên chặng đường trở thành người lương thiện. Nhưng Thuyết nói rằng anh ta sẽ ân hận, sẽ đền ơn đáp nghĩa với người vợ duy nhất và đứa con gái duy nhất (?). Có thật như thế không?

 

Mối tình đầu và người vợ đầu bất hạnh

Từ Hà Nội đi Hải Phòng có một khu phố rất đẹp, nhà cửa san sát. Đó là thị trấn Phú Thái thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Một cán bộ Công an huyện chỉ một ngôi nhà mái đỏ khang trang. “Đấy nhà của Thuyết “chăn voi”!

Ông Trần Văn Cân, bố đẻ ra Thuyết, bị câm. Lúc còn sống, ông nghèo lắm, phải làm nghề cắt tóc nuôi 6 anh em ở mảnh đất này. Thằng Nghĩa (15 tuổi) con cô Hồng – vợ đầu của Thuyết từng ở đây nhờ bà nội nuôi. Dạo ấy, cứ sắp đến ngày giỗ ông, nó thường hỏi bố bị bắt thì mẹ nó có về thắp hương ông nội không? Nó không biết rằng bà ngoại và mẹ nó rất muốn, rất thương thằng cháu ốm yếu từ tấm bé nhưng vết thương lòng mà bố nó để lại cho gia đình bên ngoại còn nguyên đó, chưa lành.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Thuyết là với chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1961), con gái thứ hai của bác Hiền – nguyên Giám đốc khách sạn Phú Gia (Hà Nội). Khi còn làm Giám đốc Khách sạn Phú Gia, bác Bùi Thị Nga (tên hoạt động cách mạng là Lê Hiền) còn ở Hàng Chiếu. Nay gia đình bác ở dãy nhà D8 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng. Bác trai, Nguyễn Việt Thắng – nguyên Trung tá phụ tách công tác giao quân vào chiến trường B cùng bác Hiền đều đã được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Bác Thắng tâm sự chân thành “Chuyện đã cũ, lại là chuyện không vui của gia đình nhưng cũng cần nói để người khác biết mà tránh”.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng, người vợ đầu tiên của Thuyết "buôn vua". 

Khoảng những năm 1976-1977, Khách sạn Phú Gia còn bán bia hơi và bia Trúc Bạch đều rất khó mua. Công an, thương binh là được ưu tiên đến giải khát. Nghe đồn “bà u” Giám đốc có một người con gái mỏng mày hay hạt bán hàng bên Thủy Tạ nên rất nhiều chàng trai đến “cưa”. Đó chính là thứ nữ Nguyễn Thị Hồng. Là người Thường Tín- Hà Tây nhưng cô gái tuổi Sửu (SN 1961) này đã từng đi lao động ở Đức về, có xe Mifa màu cẩm thạch (oai như xe Piazo bây giờ) lại làm ở cửa hàng ăn uống . Hồi đó cô nào làm ở cửa hàng gạo, cửa hàng ăn, diện áo mút Lào đỏ chóe là giấc mơ của các chàng trai.

Trong đám ứng cử viên “phò mã” ấy thì Thuyết hăng hái nhất. Bà Hiền nhớ hồi đó có nghe phong phanh Thuyết đang “tán” cô nào ở Yên Ninh nhưng cậu ta liên tục đến “trồng cây si” ở phố Hàng Chiếu nên bà cũng nể. Gia đình lên quê thăm nhà cửa cậu con rể tương lai. Ông Cân, bố Thuyết, bị câm nên chỉ ra hiệu.

Bà Tẻm, mẹ Thuyết là vợ sau cũng đã qua một lần đò và sinh ra các con: Nhắc, Vân, Thuyết, Quyết, Nguyệt (Hai đứa út Quyết, Nguyệt đã được Thuyết lo đi Nga và Hàn Quốc). Anh trai Nhắc từng làm Chủ nhiệm HTX đã mất. Chị Vân, có dạo làm Bí thư chi bộ, sau này gửi con trai lên học hành và trông nhà cho Thuyết (tại 31 Hàng Chuối).

Thấy gia cảnh nhà Thuyết tử tế, bà Hiền động lòng thương. Nhà gạch đấy nhưng vườn tược trống trơn. Đầu đông 1986, ngày cưới Hồng là ngày hoa lộc vừng nở hồng treo từng chùm bên Hồ Gươm. Thuyết thuê 1 chiếc xe “Pal” 24 chỗ chạy quanh hồ tới Khách sạn Phú Gia. Lúc đầu, bà Hiền bảo: “Chúng mày không có tiền, dựng rạp thôi”. Nhưng hôm sau mấy cô nhân viên ở Phú Gia mách: “Thằng Thuyết nó hợp đồng cưới ở đây đấy cô”. Vốn là người mẹ hiền lành, bà cũng cười xòa bỏ qua. Trông Hồng thật đẹp và hạnh phúc trong bộ voan trắng. Thuyết cũng rất oách trong bộ complê màu cánh chả do Bình là anh vợ cho mượn.

Nhiều năm đã qua nhưng bà Hiền còn nhớ một chuyện khó tin sau lễ ăn hỏi và trước ngày cưới một tháng. Đó làm một trưa mùa hè, cả nhà vừa ăn cơm xong thì Hồng đi gội đầu. Trước khi đi cô cẩn thận tháo chiếc nhẫn vừa mua để bàn ăn. Khi trở về Hồng thấy mất nhẫn, hỏi mẹ, bà lắc đầu giật mình: “Có mỗi thằng Thuyết vào đây, chả lẽ nó lấy”.

Khi gặp lại, Thuyết không thể chối cãi được. Thuyết khai đã bán và mua một chiếc đồng hồ Eskada 2 đinh. Bà Hiền hỏi đồng hồ đâu mang về đây nhưng 2 hôm cũng chẳng thấy. Bà Hiền nén giận gọi ông “bảo lãnh” đến: “Có lẽ gia đình chúng tôi thôi không cưới xin gì nữa đâu. Nó như thế thì không thể chấp nhận được”. Thuyết van lạy ông bà: “Tha cho con lần đầu”.

Thuyết "buôn vua" trong trại giam. 

Thuyết đến khách sạn Phú Gia khóc đến 4,5 lần. Các cô chú ở khách sạn không ai không biết. Thuyết cầu cứu bố vợ tương lai. Ai ngờ ông còn cứng rắn hơn, chỉ thẳng vào mặt Thuyết bằng cử chỉ của một người lính từng vào sinh ra tử: “Dứt khoát thôi. Mày không đứng đắn. Ra khỏi Ngành là phải, là may cho Ngành, sớm muộn mày chẳng ở đâu được nếu còn tính tắt mắt ấy.” Nhưng rồi bà Hiền mủi lòng. Không phải vì những giọt nước mắt của Thuyết mà của chính đứa con gái mà bà dứt ruột đẻ ra. Đã có một thời chỉ một chỉ vàng đã có thể thử thách nhân cách và số phận một con người như vậy.

Sau vụ này, đám cưới định mệnh vẫn được tổ chức vào ngày 5/3/1983. Thấy nhà thông gia nghèo, bà không lấy gì, kể cả một buồng cau. Bà chỉ muốn Thuyết mang lại hạnh phúc cho con gái mình. Thấy Thuyết chưa có nhà cửa, bà Hiền lại thương cho mượn căn nhà bà mua ở 79 Quán Thánh (trong ngõ) định dành cho Bình, con trai cả.

Nhưng ngay trong tuần trăng mật, rồi khi Hồng có mang thai cháu Nghĩa, Thuyết đã tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với vợ, thường tối khuya mới về. Bà Hiền phải “tiếp tế” hàng tuần cho con gái. Tệ hơn, Thuyết còn về nhà mẹ vợ ở Hàng Chiếu, khuân hết số của hồi môn của Hồng sắm được từ hồi đi Đức về rồi bán sạch. Thuyết ngọt nhạt với anh Bình mượn xe máy. Anh Bình tin em rể, cho mượn luôn. Ai ngờ lừa được xe, Thuyết lại mang bán lấy tiền trả nợ ở đâu không biết. Tồi tệ nhất là vụ Thuyết xô xát với mẹ vợ định chiếm lấy hẳn căn nhà của anh Bình.

Linh cảm về đứa con rể “ba trợn” này, bà Hiền đã ra Ủy ban và Công an phường Quán Thánh sang tên, nhập hộ khẩu cho anh Bình về nhà mới. Bà còn “cảnh giác” kiên quyết không cho Thuyết nhập hộ khẩu vào Hàng Chiếu. Thuyết năn nỉ: “Mẹ cho con nhập vào hộ khẩu bố mẹ đi, ngay hôm sau con tách ra thôi mà”. Bà Hiền gạt phắt: “Không được. Để cơ quan phân cho chúng bay!”. Nhưng Thuyết suýt nữa thắng cuộc. Khi con trai được ba tháng, Thuyết ra Thủy Tạ gặp chị Trưởng phòng tổ chức xin mượn cuốn sổ hộ khẩu của bà Hiền để nhập cho con và mưu tính nhập luôn cả mình vào. Nhưng bà Hiền dặn trước, chị Trưởng phòng không cho.

Mùa đông năm ấy, Hồng ốm, Thuyết vẫn đi biền biệt, chỉ thỉnh thoảng mua cho vợ một nắm xôi lạc muối vừng. Bà Hiền phải mang đồ ăn lên cho con. Một lần, bà vừa đẩy cửa bước vào thấy một cô gái sồn sồn khuân đồ đạc bước theo sau. Bà quá ngạc nhiên. Chưa kịp hỏi thì cô gái đã liến láu: “Cháu là em con bà cô anh Thuyết, đi Liên Xô về, cho cháu dọn đồ vào ở mấy hôm”. Nỗi nghi ngờ ngày càng tăng. Bà Hiền nói với con gái: “Nó định toan tính lừa gạt gì đây. Mẹ thương con. Nếu chồng con (tức Thuyết) nó tốt, bố mẹ cho hai con luôn cái nhà này. Nhưng đến nước này thì mẹ không chịu được nữa!”.

Sau này mọi chuyện vỡ lẽ mới biết Thuyết chẳng có một xu dính túi. Đến cái lọ tăm, cái hót rác mẹ vợ cũng phải mua cho. Nhưng thấy cô em đi Liên Xô về có cái tủ lạnh Xaratốp và vài ba cái bàn là, nồi áp suất, Thuyết liền lừa gán nhà ở Quán Thánh lấy đồ điện để đổi hai miếng đất ở Văn Chương. Vậy là “tay không bắt giặc”, ngay lúc cơ hàn, Thuyết đã tỏ ra là một phù thủy cao tay.

Ngửi thấy mùi bất hiếu ngày càng nồng nặc ở “ông” con rể trời đánh, bà Hiền cùng chồng và anh Bình quyết định đòi lại nhà. Khi thấy bố mẹ và anh vợ đến với thái độ lành lạnh, Thuyết linh tính có chuyện chẳng lành. Anh Bình nói thẳng: “Nghe chú đã mua được nhà ở Văn Chương, hôm nay bố mẹ đề nghị cô chú về bên đó, cho anh xin lại căn nhà này, cháu nó cũng lớn rồi”.

Nghe chưa hết câu, Thuyết nhếch mép cười rồi đứng phắt dậy, một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng vào mặt mẹ vợ: “Tôi nói cho ông bà biết, nhà này là nhà vô chủ. Mua bán bằng giấy viết tay là bất hợp pháp nhá. Ai ở đây một ngày người đó là chủ nhà. Đừng tưởng dễ nhá!”. Nói rồi Thuyết chắp tay sau đít, đi đi lại lại. Nén giận, bà Hiền rút ra cuốn sổ hộ khẩu. Bà cười cười: “Thuyết ơi, mày nhầm rồi. Trước khi đến đây tao đã làm đầy đủ thủ tục cho anh vợ mày. Cần thì xem đây con! Bao nhiêu công lao tao vun vén cho mày, bây giờ đổ xuống sông xuống biển hết. Đồ ăn cháo đá bát”. Ông Thắng bồi thêm: “Bố cũng đã báo cho anh Công an hộ tịch và đồng chí Bí thư chi bộ là Bình nó về đây rồi đấy”.

Mặt Thuyết tái mặt không còn một hột máu. Chị Hồng đang cho cháu Nghĩa bú, đau khổ không biết còn chỗ nào để úp mặt vào cho đỡ xấu hổ. 10 phút sau Thuyết nói lắp bắp: “Thế… thế ạ. Con xin… xin bố … bố mẹ 10 hôm nữa chúng con dọn đi”. Bà Hiền quát: “Đồ giở giáo thủ đoạn. Một phút cũng không được. Ra ngay. Tao ngồi đây để chờ dọn đồ cho mày. Bình, ra gọi xích lô!”. Nói xong bà cũng bật khóc. Hồng nức nở khóc theo. Lúc ấy, cả nhà vừa dọn đồ vừa rầu rĩ như đưa tang. Nhìn con gái ôm cháu Nghĩa, bà Hiền vừa đỡ cháu, quấn thêm khăn cho nó vừa nói với Hồng qua hai dòng nước mắt: “Hồng ơi, bố mẹ thương con nhưng không làm thế nào khác được. Nhớ che cho nó khỏi lạnh. Hôm nào mẹ sẽ xuống thăm con và cháu”.

Vì nhà mua ở Văn Chương chưa ổn nên hôm đó, bé Nghĩa được đưa về quê ở Kim Thành, Hải Dương. Chị H.ồng tạm lánh về nhà mẹ. Đêm hôm ấy Hồng nhớ con, thức trắng. Cô “hoa hậu” phố Hàng Chiếu ngày nào bây giờ khô héo như chiếc lá tre. Bé Nghĩa về quê tạm ít ngày và mẹ lại phải đưa lên nhà bà ngoại. Trước tình cảnh đổ vỡ hạnh phúc không thể tránh khỏi, bà Hiền bảo con: “Chuyện vợ chồng lấy nhau, có ở được với nhau hay không là tùy con quyết định”. Dù có thế nào, chuyện bỏ chồng đối với người phụ nữ không hề dễ dàng”. Hồng làm hết sức để vì con mà níu lại một tình yêu đã mất nhưng không được. Sống chui rúc trong cái phòng chật chội ở một ngõ ngách ngoằn nghèo thuộc khu Văn Chương, thỉnh thoảng Hồng mới có dịp được ra ngoài bồi dưỡng một bát cháo sườn lấy sữa nuôi con.

Có hôm bà Hiền tự dưng thấy cồn cào, xuống thăm con tới nơi thì Hồng sốt 40 độ đang nằm rên hừ hừ. Cháu Nghĩa khóc thét ở ngoài cửa. Bà thò tay khoắng hòm gạo chỉ còn cái bơ bằng lon sữa nằm khô khốc ở dưới đáy. Bà tức tốc sai cháu Lan mang chân giò, gạo tiếp tế cho Hồng. Các chị, các anh cũng xúm lại mỗi người một tay. Sau trận ấy, Hồng bị rụng tóc, mặt nổi thêm những nốt tàn nhang. Chiếc nốt ruồi bên sống mũi trái có vẻ to lên, tô đậm thêm nỗi bất hạnh của cô con gái đẹp nhất trong ba cô con gái của bà Hiền. Có người bảo cô bị ngớ ngẩn. Lúc ấy Thuyết đang bận lên chợ Châu Long ngồi bên sạp hàng của chị H… để thề non hẹn biển và chuẩn bị cho tập 2 của “bộ tiểu thuyết tình cảm” nhiều tập mà Thuyết nhân vật chính.

Hai người làm đơn ly dị. Tòa hòa giải không xong đã xử thuận tình ly hôn. Hồng nhận nuôi con. Theo bản án Thuyết phải lo cho bé Nghĩa đến tuổi trưởng thành, nhưng chẳng thèm chăm sóc đứa con đầu của mình. Thuyết tâm sự với bạn bè: “Tao tuổi Tý, nó tuổi Mão, nuôi nó thì mèo ăn thịt chuột, sống sao được”. Hồng từng bế con 4 lần đi xích lô từ Hàng Chiếu xuốngVăn Chương để đòi tiền phụng dưỡng nhưng Thuyết đều chối bỏ. Hồng ốm quá lâu, cháu Nghĩa được đưa về Kim Thành cho bà Tẻm nuôi nấng. Hè nào nó cũng lên thăm mẹ, không hề thăm bố. Bà Hiền bảo: “Thế hóa ra may. Cứ để ở trên này với dì ghẻ, không bị đánh chửi thì cũng mắc nghiện mà chết”.

Chị Hồng dạo này đã lấy lại được vẻ đẹp thời xưa. Chị tâm niệm: “Đời có nhân có quả, có quy luật bù trừ. Gia đình em chẳng muốn Thuyết phải tù tội nhưng vi phạm pháp luật thì đành chịu, biết làm sao được. Riêng em đã cố gắng vượt qua, cố gắng góp phần nuôi cháu Nghĩa nên người”.

Người vợ thứ hai “duy nhất”?

Ngày 20/8/1987, Trần Văn Thuyết đã có quyết định chuyển sang Sở Giao Thông Công chính Hà Nội, công tác ở bộ phận giữ trật tự vỉa hè. Và lúc đó, tình duyên với chị H. ở Yên Ninh tiếp tục bùng cháy.

Năm 1987, 1988, 1989 là những năm khủng hoảng về tình cảm của Thuyết. Đặc biệt là không ngày nào không có người tìm đến “chúa chổm” Thuyết để đòi nợ. Cãi vã, dọa đâm, dọa chém huyên náo cả ngõ. Ngay từ thời đó Thuyết đã rất táo tợn: Buôn ôtô tạm nhập tái xuất qua biên giới, hàng điện tử, có dạo trong tay không một đồng xu mà dám đi vay mượn buôn hẳn hai toa tàu đường trắng từ TP HCM ra Hà Nội.

Thu Hiền, cô con gái của Thuyết "buôn vua" đang đi du học. 

Trần Thu Hiền. 

Bỏ vợ cả hơn một năm thì Thuyết lấy vợ thứ hai, chị H. Thuyết có với chị H. hai cô “công chúa” được cưng chiều hết mức: Thu Hiền, sinh năm 1990, Thu Thủy là em, sinh năm 1997. Nếu lạnh nhạt với cháu Nghĩa tuổi Mão (phải về quê với bà) thì Thuyết lại cực kỳ yêu quý hai cô Hiền (tuổi gà vàng) và Thủy (tuổi trâu vàng). Chị H. thời con gái nổi tiếng đẹp ở phố Yên Ninh với mỹ danh H. “đen”, H. “di gan”(Sau này có lúc vào làm ở Đài TNVN).

Số trời “buộc đôi này lại với nhau nhưng cũng là để hành hạ họ”. Trước khi bị bắt, Thuyết đã tâm sự với một người bạn cùng phố: “Ông có thể sống chung với một người đàn bà mà cả năm, suốt 365 ngày không ngày này nào không có tiếng súng hay không?”. Một cán bộ Công an phường Điện Biên kể lại: Từ sau vụ “chăn” được Năm Cam, do có tiền Thuyết cặp với cô nọ, cô kia nên việc chị H. đánh ghen là tất nhiên. Rồi cái gì đến cũng phải đến, cô bồ mới Linh Nga đòi Thuyết li dị vợ mới đồng ý chung sống. Thuyết chấp nhận. Riêng chuyện ly hôn có thật không hay chỉ là màn ảo thuật thì vẫn đang là nỗi nghi ngờ lớn của bà con cùng phố. Nỗi nghi ngờ đó không phải không có căn cứ. Ly hôn gì mà Thuyết vẫn thường xuyên ngủ đêm ở đây. Điều này phù hợp với nhận xét của Công an phường Phạm Đình Hồ: Có Tết Thuyết chỉ ở với Linh Nga tới Giao thừa, 1 giờ sáng lại về với vợ chính.

Diễn viên Linh Nga. 

Bằng số tiền kiếm được do “chăn voi”, Thuyết đã mua một ngôi nhà thứ 4 để làm nơi đi lại với Linh Nga tại 31 Hàng Chuối (sau ba nhà ở Nguyễn Thái Học, Hào Nam, và ở Nghĩa Tân). Cách mua nhà của Thuyết rất độc chiêu. Sau hai lần lập công tố cáo một vụ trộm máy khâu, một vụ chứa gái, Thuyết đã mua căn nhà bị tịch thu phát mại ở 91 Nguyễn Thái Học. Căn nhà 31 hàng Chuối cũng là sản phẩm xiết nợ của Ngân hàng Đống Đa. Mua xong, Thuyết đổ tiền biến căn hộ tập thể thành “khách sạn năm sao”. Đồ đạc trong nhà toàn là thứ xịn mua ở cửa hàng đồ gỗ cao cấp Ngọc Hòa phố Bạch Mai (nay chuyển về 86 Đường Láng). Một chiếc gạt tàn 1.500 USD bằng pha lê Tiệp. 3 bộ đèn chùm 7.000 USD/bộ. Chai rượu của Anh bốn mặt khắc nổi hình Nữ hoàng Ai Cập. Chiếc giường cưới 10.000USD. Bộ dàn nghe nhạc của Thuyết không phải comlê mà độc ở chỗ mỗi thứ một nước sản xuất. Đầu Nhật, amply Đan Mạch, loa Anh, bộ kích Mỹ. Dân chơi cho biết Hà Nội không có bộ thứ hai. Một chiếc két không biết bên trong đựng thứ gì mà khi đưa về cùng với thùng loa, Thuyết đã phải thuê cần cẩu đưa lên tầng. Đặc biệt trong nhà Thuyết vốn có một chiếc màn hình và chiếc máy chiếu phim của Nhật trị giá 9.000 USD.

Chuyện Thuyết và Linh Nga đã “xưa như Diễm”. Mừng cho Linh Nga đã có một tổ ấm hạnh phúc. Thực ra khi Thuyết bị bắt, Linh Nga là người đầu tiên vào Tiền Giang thăm Thuyết và đã từng tuyên bố “sẽ chờ cho đến trọn đời”. 

                                                

Rất nhiều những lời bàn tán đầy ác ý thời điểm Thuyết "Buôn vua" bị bắt đã gần như đánh gục Linh Nga, một cô gái bước qua tuổi 20

Chị H vợ Thuyết và con gái đương nhiên vào gặp thăm nhiều hơn. Như đã nói Thuyết đã có hai cô con gái ở nhà gọi là Bốp và Bẹt, nhất là cô con gái đầu Thu Hiền khá là tuyệt vời. Trong hoàn cảnh gia đình như vậy mà Hiền vẫn chăm ngoan, không chơi bời, được học bổng của Hội đồng Anh sang London học thì đáng khâm phục. Tại Hào Nam, chúng tôi chụp được tấm ảnh Thu Hiền đang thơ thẩn chơi với con chó phốc bé nhỏ (Nhà Thuyết lúc đó nuôi rất nhiều chó cảnh, có con bécgiê lăn đùng ra chết đúng ngày Thuyết bị bắt). Nhìn tấm ảnh, bà Lan tổ trưởng dân phố bảo: “Tội nghiệp con bé nhưng thôi…”. Tấm ảnh đã được xé bỏ. Sau này, chị H vợ Thuyết đã vào trại nhiều lần trong đó có lần gần như cuối cùng để đề nghị Thuyết lo thêm cho Thu Hiền sang Anh.

Khi ly dị, Thuyết đã chia cho mẹ con chị H căn nhà ở Hào Nam (trị giá 5 tỷ) và chiếc xe Toyota lội nước màu trắng đời mới nhất. Nhà thì còn hai cái để lo khi trở về (ở 91B Nguyễn Thái Học và 31 Hàng Chuối) nên Thuyết chia cho mẹ con chị H căn nhà ở Hào Nam cùng chiếc xe cũng là hợp tình nghĩa. Chiếc xe Toyota như cái gai trong mắt, chị H không thể dùng vì một thời nó là căn phòng di động để Thuyết và Linh Nga yêu đương. Sau khi chia, chiếc xe đã được bán cho một nữ doanh nhân tỷ phú, bạn thân của nhà ngoại cảm PTBH. Chiếc xe biển số đẹp 29C – xx66 vẫn đi về qua dốc Yên Phụ.

Tuy là một “đại ca” đầu đội trời chân đạp đất nhưng Thuyết lại có một trái tim đa cảm, một người bố khi đã thương yêu đứa con nào thì sẵn sàng hy sinh tất cả. Lần thăm ấy, Thuyết đã quyết định nhượng nốt với giá rẻ cho vợ chiếc Mercedes 4.3 màu xám bạc đạn bắn không thủng. Chiếc xe trị giá gần 120.000 USD nhưng Thuyết chỉ lấy 60.000 USD. Một nửa coi như Thuyết góp phần con con sang Anh du học. Một nửa (60.000USD) Thuyết nộp nốt vào số tiền 160.000 USD phải nộp theo án quyết của Tòa.

***


Thời gian trôi đi quá nhanh. Thấm thoát đã 8 năm kể từ khi Thuyết rời trại tạm giam cùng Hiệp “phò mã” và Bẩy xi đến trại cải tạo thi hành án. Khi thi hành xong bản án, Thuyết sẽ dừng chân ở ngôi nhà nào đầu tiên? Hàng Chuối thì cô cháu ở Hải Dương lên trông nhà đã xáo trộn gần như tất cả. Chỉ còn chiếc piano. Bức họa Linh Nga rất đẹp ở chân cầu thang gỗ đã được giật xuống đốt đi sau khi cô cháu tuyên bố “Linh Nga không xứng đáng với cậu Thuyết cháu”. Hay là đến 91B Nguyễn Thái Học, nơi mà Linh Nga với bộ đồ màu trắng, chiếc Spacy màu trắng thường hẹn Thuyết và có lần chị H đã ném chiếc điện thoại và chiếc xe màu trắng khi Linh Nga đang ngồi bên trong, nay Công ty Thames đã án ngữ trước cửa? Cũng không phải. Chắc chắn con gái Thu Hiền lúc đó đã từ Anh trở về sẽ đón Thuyết từ cổng trại rồi đưa về Hào Nam. Nơi đây đã chứng kiến bao chuyện buồn vui trong cuộc đời vốn liên tục sóng gió của Thuyết nhưng dù sao chuyện đó đã lùi xa….

Chỉ có điều như nói ở trên, ngoài hai cô con gái rượu, Thuyết còn ít nhất một cậu con trai tên Nghĩa với người vợ đầu tiên. Nghĩa đã có một tuổi thơ tủi phận khi Thuyết còn trẻ và nông nổi nên chưa làm đúng bổn phận người cha. Thuyết không chỉ nên nghĩ đến những đứa con thành đạt. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chị Hồng chắc chắn không cần gì, cháu Nghĩa cũng vậy. Nhưng nếu là một kẻ quân tử, một người đã biết đứng dậy sau những lỗi lầm, thiết nghĩ Trần Văn Thuyết không thể không quay lại thương yêu giọt máu của chính mình.Đạo đức lớn nhất của người Việt Nam không có gì lớn hơn tình mẫu tử.

___________________________

Xem : THUYẾT "BUÔN VUA" TÂM SỰ VỀ VỢ CON VÀ NGƯỜI TÌNH LINH NGA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét