Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

RẤT CÓ THỂ ĐỖ NGỌC BÍCH ĐẠO Ý TƯỞNG NGUYỄN TẤT TRUNG



Ngày 26/5/2009 trên web Damau.org có đăng bài viết của Nguyễn Tất Trung với tựa đề:"Bác Hồ và Trung Quốc" (Lưu ý phần chữ màu đỏ):

                                


Bác Hồ và Trung Quốc

LTS-Theo lời tự giới thiệu của tác giả, ông là một cán bộ hơn 44 năm tuổi đảng, hiện đã về hưu và sống ẩn dật tại thành phố mang tên Bác. Điều này, tuy vậy, không giúp khẳng định được tác giả Nguyễn Tất Trung có hay không có quan hệ máu mủ gì với Nguyễn Tất Thành!

Trong mọi trường hợp, tạp chí Da Màu xin hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc bài “nhận định” thú vị của tác giả Nguyễn Tất Trung.

Gần đây, các thế lực thù địch của chế độ ta đã lợi dụng chủ nghĩa quốc gia cực đoan mù quáng để gây ra một phong trào chống Trung Quốc và cố tình tạo những mầm mống để suy giảm quyền lãnh đạo tối cao của Đảng và nhà nước. Để đối phó với bọn phản động, không gì hữu hiệu hơn là học tập kỹ càng lại tấm gương lịch sử của Bác Hồ vĩ đại, nhìn vào thực tại thế giới và chọn con đường đã do chính Bác di chúc lại.

Bác Hồ luôn luôn là một nhà quốc tế chủ nghĩa:

Trong suốt cuộc đời tận tụy hy sinh cho Đệ Tam Thế Giới của chủ nghĩa Cộng Sản, Bác Hồ luôn luôn đặt quyền lợi của nghĩa vụ quốc tế lên trên cái thiển cận hẹp hòi của quốc gia. Bác Hồ đã tích cực hoạt động cùng Cộng Sản Pháp để bành trướng cơ sở nơi đây, nhận huấn luyện ở Liên Xô để trở thành một cán bộ xuất sắc của Đệ Tam Quốc Tế, có mặt trong mọi chiến dịch diệt tư sản và phong kiến của Trung Quốc. Nhờ những công lao đóng góp không ngưng nghỉ này, một khi Cộng Sản Việt Nam phất cờ đứng dậy, các anh em Cộng Sản quốc tế đã sẵn sàng hỗ trợ đắc lực cho chiến thắng của chúng ta. Dù chúng ta đã hy sinh nhiều triệu người để dẹp tan bọn quốc gia miền Nam và quan thầy Pháp và Mỹ, không có Đệ Tam Quốc Tế, chúng ta đã không có ngày nay. Bác Hồ đã nhìn xa trông rộng, ngay khi còn là một thanh niên, để hiểu về yếu tố tất thắng tự nhiên của chủ nghĩa Cộng Sản theo đúng sách lược của Mác Lê. Để chủ nghĩa quốc gia bén rễ ở xứ sở này là đi ngược lại lời căn dặn của Bác Hồ. Ngay cả đồng chí Lê Duẩn cũng hiểu rõ nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc khi tuyên bố vào năm 1976 là “chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc và chúng ta đã thành công trong việc cắm lá cờ quốc tế Mác Lê trên toàn cõi Việt Nam.”

Người Cộng Sản chân chính phải là một người của quốc tế:

Bản Tuyên Ngôn Của Cộng Sản do Mác viết vào 161 năm về trước (24.2.1848) nói rõ về mục tiêu tối hậu của mọi người cộng sản là xây dựng một xã hội vô sản chuyên chính, xóa bỏ mọi giai cấp bất công, mọi tài sản gây giàu nghèo. Tất cả đồng chí không phân biệt quốc gia chủng tộc cùng đoàn kết, dùng bạo lực để tận diệt bọn phát xít tư bản và trưởng giả.

Năm 1919, Komintern Đệ Tam Quốc Tế được thành lập để thống nhất đội binh vô sản quốc tế dưới sự chỉ huy của một bộ tư lệnh toàn quyền về cơ chế, mục tiêu và đường lối. Theo điều 17, các đảng thành phần của Đệ Tam Quốc Tế chỉ là những chi bộ của Komintern, một tổ chức quốc tế, không chấp nhận những khác biệt quốc gia. Đồng chí Lê Nin nói rõ rằng nhiệm vụ duy nhất của người cộng sản là thực hiện cách mạng vô sản quốc tế, thiết lập một Cộng Hòa Xô Viết quốc tế, và từ bỏ mọi tư tưởng cải lương, tinh thần quốc gia, cũng như chấp nhận bạo động và độc tài vô sản. Đồng chí Lê Nin còn đòi hỏi người cộng sản phải tuyệt đối tôn trọng kỷ luật vì vi phạm kỷ luật là phản bội giới công nhân vô sản.

Bác Hồ và toàn thể cán bộ lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác quyết không biết bao lần về sự trung thành tuyệt đối với đường lối và mục tiêu của Đệ Tam Quốc Tế. Chủ thuyết “Tam Vô” là nền tảng căn bản của mọi suy nghĩ của người Cộng Sản chân chính: vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo.

Nguồn cội của dân tộc Việt là Trung Quốc:

Không hiểu rõ con người cộng sản, bọn quốc gia trưởng giả đã đem lá bài chống Trung Quốc mong làm sai lạc tầm nhìn của dân tộc. Họ quên rằng nguồn gốc của dân Việt khởi thủy ở sông Dương Tử của Trung Quốc. Xét cho kỹ, chúng ta thực sự là người Hán và tổ tiên chúng ta còn Trung Quốc hơn cả những sắc dân thiểu số của Trung Quốc như người Tây Tạng, người Tân Cương, người Hồi, người Mông. Như Bác Hồ đã tuyên bố, ta và Trung Quốc như môi và răng, sông liền sông, núi liền núi, hai mà một; chúng ta là một gia đình, một đảng bộ, một chí hướng, một con đường.

Bọn quốc gia trưởng giả đem chuyện Trường Sa, Tây Sa ra để gây chia rẽ. Bọn chúng quên rằng hơn 3 ngàn năm lịch sử, Việt Nam là một phần của Trung Quốc, không chia rời. Lá rụng về cội: một ngày nào đó không xa, anh em Việt Nam và Trung Quốc sẽ lại trùng phùng và gia đình lại sum họp vui vẻ bên nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau hãnh diện là người Trung Quốc, chia xẻ nền văn hóa Trung Quốc và sát cánh tranh đấu cho chế độ vô sản chuyên chính. Tương lai của Việt Nam là tương lai của Trung Quốc, hay ngược lại.

Bác Hồ biết rất rõ ơn nghĩa của anh em Trung Quốc:

Trong hành trình đấu tranh cho Đệ Tam Quốc Tế, không lúc nào là Bác Hồ không yêu thương Trung Quốc. Bác học tiếng Quan Thoại thật thuần thục để viết những bài thơ đầu tiên trong tù tặng anh em Trung Quốc. Bác nói rằng người anh hùng thần tượng của Bác là Bác Mao. Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Bác cư xử rất khiêm tốn lễ độ với các cố vấn Trung Quốc, và nhờ thế, Trung Quốc đã giúp chúng ta thật nhiều, từ vũ khí binh lính, đến sách lược chiến trường. Tình yêu của Bác dành cho Trung Quốc là yếu tố quyết định trong chiến thắng vĩ đại. Không có sự chỉ huy tài tình của tướng Vệ Quốc Chinh thì làm sao chúng ta có được Điện Biên Phủ trong sử sách.

Tấm gương khiêm tốn lễ độ và yêu thương của Bác Hồ với các đồng chí Trung Quốc phải được truyền rộng khắp đất nước ta để toàn dân học tập và tuân thủ. Tấm gương này sẽ xóa tan mọi hiềm khích giữa hai bên để Việt Nam chóng trở về với Trung Quốc và thực sự thành một chi bộ tốt của Đệ Tam Quốc Tế, bên cạnh người anh cả Trung Quốc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã tỏ rõ chân lý của trí tuệ sáng ngời khi ông giáng bút:

“Bác Mao không ở đâu xa

Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”.

Trung Quốc sẽ là một siêu cường trong 10 năm nữa:

Nhờ cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện tại, siêu cường tư bản Mỹ đã suy thoái trầm trọng, đúng như lời tiên đoán của Mác Lê. Lãnh đạo đế chế Cộng Sản mới là người anh em đồng chí Trung Quốc của ta. Nhiều nhà kinh tế đã gọi thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc. Ngay cả Liên Xô, sau khi bị tư bản xâm chiếm, đã bắt đầu chính sách mới, trở lại với Đệ Tam Quốc Tế. Ngọn cờ đỏ của Cộng Sản sẽ tràn ngập mọi ngả đường của thế giới. Gia nhập đế chế mới của Trung Quốc là một hành động thức thời không khác gì ngày Bác Hồ qua Liên Xô năm 1920 để trở thành một cán bộ tài ba của Đệ Tam Quốc Tế.

Không những về chính trị, Trung Quốc còn có thể đem lại cho Việt Nam những no ấm về kinh tế, như đã giúp đỡ người Tây Tạng nâng cao mức sống từ năm 1952 sau khi Tây Tạng gia nhập cộng đồng Trung Quốc. Vì nghĩa vụ quốc tế, trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đầu tư tiền và người vào biết bao dự án lớn nhỏ của Việt Nam. Mới nhất là dự án bô xít ở Tây Nguyên, nơi Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 15 tỷ đô la Mỹ và cung cấp toàn bộ khoa học công nghệ và chuyên gia cho dự án.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, văn hóa Khổng Mạnh là cột trụ của xã hội, từ triều đình đến thôn xóm. Văn hóa Việt Nam thực sự không hiện hữu, mà là một cóp nhặt hoàn toàn từ Trung Quốc. Ngay cả hiện tại, dù nằm dưới ách đô hộ của Pháp Mỹ cả trăm năm qua, người Việt cũng đã biết về nguồn và mọi chương trình văn hóa nghệ thuật phổ thông đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Những tập tục cư xử của người Việt trong xã hội hiện tại cũng rập khuôn Trung Quốc.

Tóm lại, Việt Nam thực sự là Trung Quốc về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Bọn quốc gia cực đoan, theo Mỹ học làm trưởng giả kiểu kinh tế thị trường, không thể biến cải định lý này. Người Cộng Sản phải vạch mặt chỉ tên những lũ phản động này. Theo gương Bác Hồ vĩ đại, người Việt phải đứng trong hàng ngũ của đế chế mới do Trung Quốc lãnh đạo. Chúng ta sẽ hãnh diện về nguồn, làm một phần không thể tách rời của văn minh Trung Quốc.

Nguyễn Tất Trung



Ngày 17/4 trên BBC,trong bài "
Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc" Đỗ Ngọc Bích 

                                                                   

Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc

Trong vài năm gần đây, người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại thường lên tiếng bài xích nhà nước cộng sản Việt Nam, bênh vực những blogger dũng cảm đấu tranh vì Hoàng Sa - Trường Sa, rên rỉ rằng nhục quá vì Việt Nam dần dần cứ dâng đất cho Trung Quốc v.v.

Dân Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải tị nạn sau biến cố tháng 4/1975 'ghét' nhà nước cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng sản Trung Quốc từ xưa thì rõ rồi.

Trung quốc đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, 'đánh bại' người Mỹ và 'lật đổ' chính thể Việt Nam cộng hòa.

Vì vậy không rõ là họ bài xích Việt Nam và Trung Quốc là do sự thù hằn nội chiến đó, hay là thực sự muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đau xót uất hận khi thấy Việt Nam “mất đất”?

Song những người dân có tri thức ở trong nước, những blogger gần đây gặp vấn đề về chính trị mà phần đông là những thanh niên đầy tâm huyết và lý tưởng thì có lẽ khác.

Họ có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Cộng, chỉ đơn giản là yêu nước thôi. Thế mới có chuyện đáng bàn.

Chuyện đáng bàn

Tác giả phản biện các quan điểm được cho là 'bài xích' Trung Quốc từ trong nước.

Những thanh niên này hầu hết đều lớn lên vào những năm 1980, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, bài xích Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc 'hơi nhiều.'

Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975).

Cho dù Trung quốc giúp Việt Nam là vì tính toán chính trị của họ, được giúp đỡ để chiến thắng cũng là điều tốt mà 'mình nên nhớ'. Câu “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong tình huống này có lẽ đúng.

Điều này làm tôi liên tưởng tới hàng vạn người Trung Quốc trong những năm 1990 đã là nạn nhân của cái gọi là "state-controlled nationalism" (chủ nghĩa dân tộc có sự điều khiển) khi họ đấu tranh lên án Nhật vì những điều đã xảy ra trong chiến tranh thế giới thứ II, đòi công bằng và chủ quyền với Nhật Bản.

 

Họ cũng đã bị công an Trung Quốc đàn áp, bịt miệng vì khi đó nội các Trung Quốc đang muốn giải quyết “ngoại giao cấp cao” với Nhật Bản và không muốn làm mất lòng các nhà đầu tư Nhật Bản.

Những thanh niên đó đã quá bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Nhật trong Trung Quốc những năm dưới quyền Mao.

Khi tình hình đất nước thay đổi, họ không thay đổi kịp. Mao đã từng tuyên truyền rằng trong vụ thảm sát Nam kinh, hàng chục vạn người Trung Quốc đã bị giết, nhưng gần đây con số thống kê đó đã được đem ra xem xét lại về tính xác thực của nó.

Những blogger của Việt Nam bị bắt giữ gần đây cũng vậy. Họ không thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, vẫn tiếp tục sống trong cái “anti-China nationalism” (chủ nghĩa dân tộc chống Trung quốc hay bài Trung) của những năm 1980.

Câu hỏi đặt ra

Bản đồ hình 'lưỡi bò' được cho là bằng chứng về chiến lược và tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Có một câu hỏi đặt ra là “Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành, mà lại không sẵn sàng phê phán chính hiểu biết về lịch sử của họ hay những điều mà nhà nước Việt Nam tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây?”

Chúng ta quen nghe “Lịch sử Việt Nam 4.000 năm dựng nước,” liệu có bao giờ tự hỏi xem cái con số 4.000 ngàn năm ấy lấy ở đâu ra? Liệu có đúng như vậy không? Mảnh đất Việt nam có hình thù thế nào trước thời Triệu Vương?

Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở," thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc.

 

Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha... từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v...

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?

Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tác giả khuyết danh thời Trần), hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), hay Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?

Họ tin rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam trên cơ sở nào, hay chỉ biết thế từ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam và từ các thông tin trên đài báo chính thống của Việt Nam lưu hành từ sau năm 1975?

Từ khi nào?

Một cuộc biểu tình của thanh niên trong nước đòi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng ta coi Trường Sa và Hoàng sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?

Hiệp ước Tự Đức hiến đất Cochinchina cho Pháp (1862), Hiệp ước nhà Thanh thỏa hiệp với Pháp về quyền cai trị An-nam và Ton-kin (1885), hay các tuyên ngôn độc lập tự chủ sau này có nhắc đến chủ quyền của mấy cái đảo ấy không?

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?

 

Chỉ biết là bắt đầu từ đầu thập niên 1970, khi giá trị của dầu mỏ trở nên rõ ràng, khi thông tin về trữ lượng dầu ở mấy đảo đó được xác nhận, và người ta nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng sân bay, điểm cất cánh trung chuyển và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, thì một loạt 6, 7 nước cùng xông vào nhận nó là của mình với những “bằng chứng lịch sử” đáng ngờ.

Xét cho cùng, đất nước Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam hiện nay có được là nhờ sự “mở mang bờ cõi” Nam tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành, Khơ-me.

Lịch sử là vậy, đất đai dân cư di dời, sở hữu chuyển đổi, do thỏa thuận cũng như do xâm lấn.

Rút cục, có thể nói chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc vậy.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả với chuyên môn là tiến sỹ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ.

Cho đến ngày 19/04, trang web BBC Việt Ngữ đã nhận được nhiều ý kiến, và một số bài viết riêng phản bác lại quan điểm của TS Đỗ Ngọc Bích. Chúng tôi sẽ đăng dần các bài đó lên trang Diễn đàn trong những ngày tới. Nguồn BBC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét